ĐT: (0290) 383 1066 - 383 3905
Thứ sáu, 22-9-23 11:02:22

Cây cầu dừa tuổi thơ

Báo Cà Mau (CMO) Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người người, nhà nhà đều tuân thủ mọi nguyên tắc để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, thực hành “ai ở đâu ở yên đó” để góp sức chống dịch. Ðối với không ít người, đây là khoảng thời gian để sống chậm lại, dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, và tôi cũng vậy.

“Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn”, khiến tôi nhớ về khoảng thời gian tuổi thơ ấm áp ở vùng quê nhỏ. Không ti-vi, không điện thoại, không đồ chơi hiện đại như tụi nhỏ bây giờ, nhưng tuổi thơ tôi đầy ắp tiếng cười bên những người thân yêu nhất.

Là người con vùng sông nước, quê ở tận miệt thứ U Minh, nên cứ nhớ quê là tôi nhớ về hình ảnh những cây cầu lắt lẻo. Ấn tượng nhất với tôi chính là cây cầu dừa. Một đứa nhóc vùng quê nhỏ mới lên 5 như tôi có thể tự tin đi thoăn thoắt qua bất cứ cây cầu khỉ nào, nhưng… với cầu dừa thì tôi chịu thua. Thế nên tôi rất sợ cầu dừa.

Trong trí nhớ non choẹt của cô bé lên 5, phía bên hông nhà có cái ao rất rộng, nối liền đôi bờ bởi cây cầu dừa. Bên đây là nhà tôi, còn bên kia ao là vườn trái cây sum suê được ba tôi vun trồng. Mảnh vườn to với đủ loại cây ăn trái trĩu quả đúng là sức hút lớn với bọn con nít chúng tôi, nên dù sợ cây cầu dừa thì tôi vẫn luôn tìm mọi cách để sang bờ bên đó.

Nhà tôi có 5 anh chị em: 3 chị gái, anh Năm và tôi là út. Nói là út chứ tôi hung dữ nhất nhà. Có lần tôi bắt anh Năm phải cõng qua cầu dừa, nếu không tôi sẽ cắn. Biết tính tôi nói là làm, anh Năm dù không thích cũng phải để nhỏ em gái trên lưng đi qua cây cầu dừa. Tôi đang hí hửng, thích thú nghĩ tới cảm giác được tự tay bẻ trái ổi, cắn liền một cái chua chua, ngọt ngọt thì… ùm. Tôi rơi tự do từ trên lưng anh Năm xuống ao và cũng quẫy nước tự do vì tôi không biết bơi. Cảm giác phấn khởi cũng chìm nghỉm xuống ao chung với tôi, chỉ còn nghe tiếng anh Năm ngồi vắt vẻo trên cây cầu dừa, cười giòn, kêu mẹ:

- “Mẹ ơi, mẹ ra mà coi con Út nó không biết lội mà nó biết lặn nè”.

Mẹ tôi đang ngồi trước nhà bắt chí cho chế Tư, nghe tiếng kêu thất thanh của ông anh tôi, mẹ hớt hải chạy ra, la lớn:

- “Trời ơi! Chết con nhỏ rồi”.

Rồi mọi người xúm nhau ẵm tôi lên sốc nước, từ đó câu chuyện “không biết lội mà biết lặn” trở thành chuyện được nhắc nhiều trong những lần họp mặt gia đình.

Có lẽ chuyện đó làm tôi ám ảnh cả tuổi thơ, nên trạc tuổi tôi đứa nào cũng lội như nhái, chỉ có tôi là không dám lội sông. Trước đây, trước nhà có con sông to lắm, nghe ba tôi kể, hồi đó sông này chỉ là cái lòng lạch thôi, mùa hạn muốn chà gạo thì phải lội đẩy xuồng chứ không bơi được. Thấy quá khó khăn, người dân hùn nhau thuê xáng vô múc. Từ khi có sông rộng, sâu, bọn trẻ tụi tôi mê lắm. Cứ chiều là hẹn nhau, đứa thì cây chuối, đứa cái can 20 lít, đứa cặp dừa khô nhảy xuống sông tập lội. Chỉ có tôi là ngồi trên bờ dõi theo. Mấy lần thấy tôi ham, ba nói để ba cõng tôi lội, nhưng chân mới vừa chạm nước thì tôi lại khóc thét. Bà nội liền la: “Bây cho nó lên đi, để bà thuỷ bả quở, rồi con nhỏ bị bệnh”.

Thế là giấc mơ bơi lội của tôi khép lại từ đó. Cứ mùa mưa đến, nước dưới ao dâng đầy, tôi lại ngồi bên bờ ao để bắt từng con nòng nọc bỏ vào keo chơi. Nước trong đến nỗi thấy từng đường nứt của lòng đất. Cây cầu dừa vẫn ở đó, vẫn là nỗi sợ của tôi nhưng không hiểu sao tôi không thấy ghét nó. Tôi thích cảm giác được anh Năm cõng qua cầu, được nhìn xuống dòng nước trong veo và cảm nhận sự yên bình của vùng quê, của tình yêu thương bên gia đình nhỏ.

Không biết bơi nhưng lại mê nước, không biết đi cầu dừa nhưng tôi lại yêu nét giản dị, thô sơ của nó. Biết tính em gái, anh Năm tôi mỗi lần xuống ao bắt cá là cho tôi ngồi ở cây cầu chơi để vừa bắt cá, vừa trông chừng tôi. Có hôm anh Năm chơi ác: “Ðố Út dám nhảy từ cầu xuống”. Vì nước không sâu, thấy anh Năm đứng chỉ ngang bắp chân, tôi cũng mạnh mẽ mà nhảy ùm xuống và tiếp tục uống nước. Ấy vậy mà tôi vẫn yêu cây cầu dừa, vẫn tin anh Năm tôi “bất chấp”.

Rồi vùng quê tôi bị xâm nhập mặn, từng bờ liếp phủ kín cây ăn trái ngày nào được ba tôi ban xuống để nuôi tôm. Cái ao ngày xưa được lấp đầy đất vì ba sợ tôi ra ao chơi một mình nguy hiểm. Cây cầu dừa cũng bị mang lên bờ, mục nát theo thời gian.

Lớn lên mỗi đứa một phương lập nghiệp, cứ mỗi dịp về xúm xít bên nhau lại nhớ chuyện cây cầu dừa. Nhớ về tuổi thơ, nhớ vùng quê yên bình, nhớ những tháng ngày hạnh phúc bên ba mẹ! Hơn 30 năm xuôi ngược mưu sinh, mỗi khi nhớ về quê hương lại thương da diết. Quê hương tôi đó, miệt thứ U Minh, tuy gần nhưng rất xa, tuy cách trở những vẫn luôn trong trái tim người xa quê.

Dịch bệnh bùng phát, mỗi ngày nghe những thông tin về tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sáng nay, thấy thông tin quê tôi bị phong toả do phát hiện nhiều ca F0. Lo lắng nhiều, nhưng mọi nơi đều đang phải gồng mình chống dịch. Nhớ quê lắm nhưng tôi cũng chỉ có thể dõi theo từ xa và mong quê hương mạnh mẽ vượt qua đại dịch lần này.

Lúc này, yêu quê hơn hết chính là nâng cao ý thức, là tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh./.

 

Kim Cương

 

Ði cắm câu cua

Cây cầu dừa tuổi thơ

(CMO) Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người người, nhà nhà đều tuân thủ mọi nguyên tắc để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, thực hành “ai ở đâu ở yên đó” để góp sức chống dịch. Ðối với không ít người, đây là khoảng thời gian để sống chậm lại, dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, và tôi cũng vậy.

Mùa chim bói trái

Lan man dịch buồn

(CMO) Thiên nhiên, thời tiết luôn thay đổi khác thường. Có những điều lạ lẫm, kỳ thú từ thời tiết, thiên nhiên… Giữa những năm 60, đất Cà Mau ban ngày nắng đổ hào quang, trưa nhìn ra ruộng vô số bóng nắng lao xao nhảy múa… Ban đêm sương mù trắng dã như đóng băng, sáng sớm ra, đi cách vài thước nhìn không thấy, không nói tên là không biết người nào… Bây giờ muốn ngắm cảnh kỳ thú sương mù như vậy, dễ gì có!

Nhớ dưa bồn bồn của má

(CMO) Trên tuyến Quốc lộ 1, ngang qua xã Tân Hưng Ðông, bồn bồn xanh bát ngát dưới ruộng, những “gian hàng” thô sơ được dựng tạm hai bên đường, chỗ được che bằng vài tấm tôn cũ, chỗ bằng cây dù vải, chỗ thì chục tàu lá dừa để chưng những keo dưa bồn bồn, những bó bồn bồn tươi roi rói vừa mới tách vỏ xong. Nhìn những người đàn ông đang ra sức nhổ bồn bồn dưới ruộng chất thành đống, vác lên mé lộ dùng dao bén chặt phăng phần ngọn, đem phần cây vào chòi cho mấy chị lột vỏ, trưng bày lên sạp hàng… gợi cho tôi nhớ biết bao kỷ niệm thời thơ ấu, về những hũ dưa bồn bồn của má…

Những tiếng rao vài dấu lặng buồn...

(CMO) Nếu có ai hỏi thanh âm nào kịp ở lại trong lòng chúng tôi, thế hệ đôi mươi vừa bước vào đời, thì câu trả lời khắc khoải nhất là… “những lời rao”. Trên mấy vùng quê cũ, hay cả trong những thành phố rộng, đâu đó vẫn còn nôn nao bởi mấy lời thương nhớ ấy. Chúng như những âm điệu riêng, thẩm thấu và nuôi lớn cái thuở hồi ức còn là chuỗi ngày đi rong giữa lòng đời rộng, của mỗi con người…

Ơ cá kho của nhà văn

(CMO) Nhà văn Lê Minh Nhựt lên Messenger nhắn cộc lốc: “Mầy ăn lòng tong kho hông? Mai tao gởi”. Đọc dòng tin nhắn mà chưa kịp tin thật là từ ông nhà văn “giang hồ vặt”.

Cây đèn “Ta Đăng”

Chị gái

(CMO) Là con thứ 7 trong gia đình, sau còn thêm đứa em gái út là tôi, nhà đông con nên chị ít được cha mẹ chăm lo chu đáo. Chị là người sống tình cảm, rất biết quan tâm đến mọi người, chị biết nỗi nhọc nhằn trên vai mẹ, nên ở cái tuổi lên 8, 9 chị đã biết phụ giúp làm những việc nội trợ: trông em, nấu cơm, giặt đồ, chẻ củi, xách cặn nuôi heo… Chuyện gì khả năng làm được chị đều làm, để cha mẹ có thêm thời gian kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Giải trí ngày xưa

(CMO) Ngay từ buổi bình minh của xã hội loài người, bên cạnh những nhu cầu cơ bản là ăn, mặc, ở và duy trì nòi giống, thì nhu cầu giải trí là một phần không thể thiếu, nếu không nói là rất quan trọng. Vậy khi chưa có Internet, chưa có những loại hình giải trí hiện đại như bây giờ, người xưa tìm kiếm niềm vui để bồi bổ tinh thần bằng cách nào? Ðó chẳng phải là câu hỏi quá thú vị, khi mà trong bối cảnh giãn cách xã hội, chúng ta bỗng trở nên chán chường với màn hình ti-vi và điện thoại thông minh, tâm trí bỗng trở nên ù lì, năng lượng tích cực dường như bay đâu mất.