ĐT: (0290) 383 1066 - 383 3905
Thứ sáu, 22-9-23 10:57:01

Chăm bồi thế hệ kế thừa

Báo Cà Mau (CMO) Trước thực tế phát triển ồ ạt của các loại hình giải trí, nghệ thuật dân tộc nói chung, nghệ thuật cải lương nói riêng đang đứng trước khó khăn, thách thức không nhỏ. Một trong những khó khăn lớn hiện nay là bồi dưỡng và đào tạo lực lượng nghệ sĩ kế thừa. Làm sao để đào tạo được thế hệ nghệ sĩ kế thừa vừa tài năng, vừa tâm huyết với nghề là bài toán mà tất cả những ai đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống phải lo nghĩ.

Năm 2018, Ðoàn Cải lương Hương Tràm tổ chức tuyển sinh và đào tạo bằng hình thức truyền nghề, đến nay các thí sinh đã được học nhiều về kỹ năng biểu diễn trên sân khấu, đó là hành trang để các em bước tiếp vào con đường nghệ thuật. Mới đây, đoàn tổ chức đêm diễn báo cáo kết quả đào tạo thí sinh năng khiếu, đồng thời triển khai kế hoạch tuyển sinh năng khiếu cho những năm tiếp theo. 

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Tín, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, phấn khởi: “Là thế hệ đi trước, tôi thật sự thấy rất hạnh phúc và vui mừng khi nhìn thấy sự truyền lửa và tiếp lửa của thế hệ cô chú, anh chị truyền lại cho thế hệ kế thừa. Nói trước thì còn quá sớm nên chúng tôi tạm gọi các bé là thế hệ đồng ấu kế thừa bộ môn nghệ thuật truyền thống, để khẳng định cải lương vẫn còn sống mãi qua nhiều thế hệ”.

3 thí sinh được tuyển chọn đợt này gồm: Hồng Giang, Hạ Hương và Phương Anh, trong đó có 2 bé là con của các nghệ sĩ ở đoàn. Từ nhỏ, các bé được theo ba mẹ xem tập dượt, biểu diễn, hàng ngày nghe cha mẹ hát, nên cải lương dường như thấm trong máu và trở thành niềm đam mê lúc nào không hay, nên khi tiếp xúc với sân khấu, các bé không quá ngỡ ngàng và tiếp thu tương đối nhanh.

Ba đồng ấu được Ðoàn Cải lương Hương Tràm đào tạo truyền nghề gồm: Hạ Hương (bìa phải), Phương Anh (bìa trái) và Hồng Giang, cùng thể hiện trích đoạn “Rạng ngời trang sử Việt Nam”.

Nghệ sĩ Nhất Phương, cha bé Hạ Hương, chia sẻ: “Cháu đã sớm bộc lộ năng khiếu ca, diễn, ở trường có tổ chức thi văn nghệ là xông xáo tham gia, nên dạn dĩ sân khấu. Tôi và vợ (Nghệ sĩ Kim Hiền) không có ý định ép con phải theo nghề mình. Bé năn nỉ tham gia cuộc thi tuyển chọn của đoàn, tôi nghĩ để bé thi cho vui vậy thôi, ai ngờ được Ban lãnh đạo và cô chú chuyên môn nhắm tới và rèn luyện cho đến nay”.

Hai bên gia đình Nghệ sĩ Nhất Phương và Nghệ sĩ Kim Hiền không ai theo nghiệp hát, nay coi như có thế hệ kế thừa, họ rất hạnh phúc. Nghệ sĩ Kim Hiền tiết lộ, con gái nhỏ của chị năm nay 9 tuổi cũng mê cải lương không kém con gái lớn. Hôm diễn báo cáo, mặc dù chỉ thủ vai nông dân và múa, mà cũng lo lắng, tập cả ngày để tối đó diễn cùng chị gái.

Khi được nhận đào tạo, các bé hoàn toàn chưa biết gì về kỹ năng sân khấu, từ ca, diễn, vũ đạo… nên việc chăm bồi đòi hỏi nhiều thời gian và đội ngũ đào tạo phải dày dặn kinh nghiệm, chịu khó. Thêm nữa, các bé vẫn đang học văn hoá, việc đào tạo năng khiếu phải đảm bảo việc học tập của các bé không bị gián đoạn.

Ở đoàn có một lực lượng đào tạo chuyên môn khá vững vàng, các nghệ sĩ gạo cội, nghệ sĩ ưu tú và các nghệ sĩ tốt nghiệp từ trường sân khấu điện ảnh… đều tâm huyết với thế hệ kế thừa, đã thống nhất cùng nhau đưa ra phương pháp đào tạo sao cho chất lượng nhất, hiệu quả nhất.

Nghệ sĩ Hùng Vương và Nghệ sĩ Hoàng Thái Hùng được phân công nhiệm vụ dạy vũ đạo, ca diễn cho các bé.

Nghệ sĩ Hùng Vương được đào tạo từ Trường Ðại học Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh, nên thuận lợi hướng dẫn các bé từ những bước cơ bản nhất của nghề.

Nghệ sĩ Hùng Vương bộc bạch: “Tôi chưa dám khẳng định các bé đã giỏi nhưng các bé thật sự tiến bộ so với sức của mình. Nhớ lại khi tập các trích đoạn, nhất là về nhân vật lịch sử, chúng tôi có khi ngồi với nhau cả ngày để phân tích nhân vật, giúp các em có cảm xúc, hoá thân vào nhân vật tốt hơn. Tất cả là nền tảng để các em phát triển hơn nữa, động lực để rèn luyện, học tập, trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp”.

Chỉ sau 2 năm đào tạo, sự tiến bộ rõ rệt của các bé đã được đánh giá qua cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020 tổ chức tại Cà Mau. Khi đó, với sự phụ diễn của Nghệ sĩ Hùng Vương, bé Hạ Hương và Phương Anh, bé Hồng Giang (thi chính vai bé Hiếu, trích đoạn "Tình phụ tử") đã đoạt Huy chương Bạc và giải Diễn viên trẻ nhất.

Mới đây, trong đêm diễn báo cáo, các bé thể hiện trích đoạn "Rạng ngời trang sử Việt Nam" và trích đoạn "Võ Thị Sáu", được giới chuyên môn đánh giá cao. Qua livestream đã nhận được nhiều lượt chia sẻ, bình luận ngợi khen, thể hiện niềm tin về thế hệ kế thừa của cải lương ở đất Cà Mau.

Nhắc đến cô bé Hồng Giang, Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Tín vẫn chưa quên đêm giỗ Tổ sân khấu cách nay 4 năm. Hồng Giang cùng ông ngoại đến đoàn và lên hát một câu vọng cổ nghe quá… được, thế là ông Tín ngỏ ý cho bé tham gia thi tuyển và nhận về đào tạo, đồng thời tạo điều kiện để em học tiếp văn hoá.

Hồng Giang quê ở huyện U Minh, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Cha mẹ chia tay khi em còn nhỏ, nhà nghèo nên em nghỉ học khi vừa hết lớp 4, sống với người mẹ bị câm điếc và ông bà ngoại lớn tuổi.

Hồng Giang xúc động: “Thời gian ở đoàn, con được học tập, rèn luyện trong môi trường thân thiện, các cô chú ai cũng thương và nhiệt tình chỉ dạy từ chuyên môn đến cuộc sống. Bây giờ, con tập trung học văn hoá và tham gia vai đào con trong các trích đoạn cải lương, chương trình an toàn giao thông… Con sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu hết mình để có hành trang vững vàng hơn, theo đuổi niềm đam mê cải lương chuyên nghiệp”.

Ông Nguyễn Quốc Tín thông tin thêm, trong đợt diễn báo cáo, ngoài 3 thí sinh được đoàn chọn đào tạo bằng hình thức truyền nghề còn có sự góp mặt của hơn 10 diễn viên nhí, là con của nghệ sĩ, diễn viên và nhân viên trong đoàn. Từ đây, đoàn đã phát hiện và có kế hoạch chọn lựa năng khiếu, tiếp tục đào tạo những năm tiếp theo.

“Qua đây tôi bày tỏ cảm ơn quý khán giả luôn theo dõi, yêu mến nghệ sĩ của Ðoàn Cải lương Hương Tràm và rất mong mọi người tiếp tục yêu mến thế hệ kế thừa, tiếp nối của đơn vị”, ông Nguyễn Quốc Tín bày tỏ./.

 

Mộng Thường

 

Anh giáo làng mê nhiếp ảnh

Học trường sư phạm, đến năm 1996, anh tình nguyện về huyện miền núi Sơn Tây ngày ngày dạy chữ cho trẻ em, tối tham gia xoá mù chữ cho đồng bào. Sau thời gian dài gắn bó, vùng cao Sơn Tây trở thành quê hương thứ hai khi anh nên duyên với cô gái cũng là đồng nghiệp “cắm bản”.

Danh ca Hương Lan: Tôi phải làm mới để tiếp cận khán giả trẻ

Danh ca Hương Lan trăn trở nhiều về việc đưa âm nhạc trữ tình quê hương tiếp cận nhiều hơn với khán giả trẻ theo cách của riêng mình.

Nghệ sĩ Kim Hiền trở lại sau biến cố

Hơn 20 năm gắn bó với nghiệp diễn, giữa năm 2022, Nghệ sĩ Kim Hiền bất ngờ nói lời chia tay khán giả và Ðoàn Cải lương Hương Tràm, về quê chồng (Nghệ sĩ Nhất Phương) ở An Giang để chăm sóc mẹ già yếu. Không lâu sau, biến cố xảy ra - Nghệ sĩ Nhất Phương vĩnh viễn ra đi, Kim Hiền đưa hai con về lại chốn cũ, dồn hết tình yêu cho sân khấu cải lương.

Những khoảng lặng đẹp

(CMO) Mặc dù học chuyên ngành kế toán, kiểm toán, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, có lẽ bởi duyên nợ với nhiếp ảnh, Lưu Thành Ðạt rẽ hướng, không theo chuyên ngành đã học. Tình yêu với nhiếp ảnh bắt đầu từ năm 2012, khi đang học năm cuối đại học, anh mua được chiếc máy ảnh về tập tành chụp.

Sân chơi tinh thần của người khiếm thị

(CMO) Từ mong muốn làm phong phú đời sống tinh thần và mở ra cơ hội biểu diễn cho hội viên có đam mê, năng khiếu ca hát, Câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ của Hội Người mù tỉnh Cà Mau ra đời, với sự tham gia của 15 thành viên.

Hội thi "Tài năng Hoa phượng đỏ": Phú Tân giành giải Nhất toàn đoàn

(CMO) Tối 31/8, Hội thi "Tài năng Hoa phượng đỏ" tỉnh Cà Mau lần thứ II năm 2023 khép lại với giải Nhất toàn đoàn được trao cho đơn vị Phú Tân, giải Nhì thuộc về TP Cà Mau và huyện U Minh, 2 đơn vị Năm Căn và Ngọc Hiển giành giải Ba.

Tình cảm của văn nghệ sĩ Đồng Nai dành cho Cà Mau

(CMO) Chiều 26/8, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ bế mạc Trại sáng tác VHNT tại tỉnh Cà Mau với chủ đề “Văn nghệ sĩ với người lính, biển đảo và quê hương, đất nước”.

Thư viện mini về nghệ sĩ

(CMO) Yêu thích cải lương từ nhỏ, nên khi gặp các mẩu giấy dù đơn sơ được gói kèm trong những bịch cốm, bánh kẹo mà có in hình các nghệ sĩ cải lương, anh đều cẩn thận cất giữ. Ðến khi đi học, đi làm, anh vẫn tiếp tục sưu tầm sách báo về nghệ thuật cải lương, hình ảnh của các nghệ sĩ nổi tiếng và xem đó là “báu vật” đời mình.

Tìm kiếm tài năng - Nâng chất đờn ca tài tử

(CMO) Ðờn ca tài tử (ÐCTT) Nam Bộ gắn bó với người dân miền Tây từ bao đời nay, như nét sinh hoạt văn hoá đặc trưng, món ăn tinh thần trong cuộc sống. Ở Cà Mau, phong trào ÐCTT phát triển mạnh từ thành thị đến nông thôn…

Người kể chuyện cò

(CMO) “Chuyện cò và giấc mơ” là bộ sưu tập các bức tranh màu nước mới ra mắt của Hoạ sĩ Lê Ngọc Quỳnh sau hơn 3 năm ấp ủ, thể hiện góc nhìn mới về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại.