ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 19-3-24 13:01:45
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bánh quê “lên ngôi”

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày giáp Tết, nhà ông Tư Khởi (Lê Văn Khởi, ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) bận rộn từ sáng sớm cho đến tối muộn với việc làm bánh quê: chuối sấy, bánh kẹp cuốn, bánh nhúng. Vợ chồng ông Tư Khởi cùng hai cô con gái thứ ba và út, ai cũng có việc riêng của mình. Ông Tư Khởi thì phụ trách đốn chuối, phụ lột và bào chuối cùng con gái út, con gái thứ ba thì nướng bánh kẹp, còn việc chiên chuối sấy thì bà Trần Thị Hạnh, vợ ông Tư Khởi, đảm đương.

Sản phẩm chuối sấy của cơ sở Liên Lê qua 7 năm hình thành, đã có mặt thị trường ở nhiều nơi.

Nhiều năm nay, cơ sở sản xuất chuối sấy Liên Lê, ngay đầu kênh Hai Lưu đã quá quen thuộc với các tiểu thương ở Cà Mau, ngoài tỉnh và bà con lân cận. Người xây dựng nên danh tiếng chuối sấy Liên Lê này là bà Trần Thị Hạnh, người phụ nữ đảm đang, khéo léo. Chia sẻ về nghề làm bánh quê của gia đình, bà Hạnh tâm tình: “Lúc trước cũng làm bánh dùng trong nhà, rồi biếu bà con. Người này người kia khen ngon, kêu làm bán. Rồi, cũng thử tập làm, xưa chưa biết, có mấy nải chuối mà làm cả nửa ngày trời. Dần dà rút kinh nghiệm, tìm hiểu rồi có được quy trình làm bài bản như bây giờ”.

Nghề dạy nghề. Sau những mẻ chuối sấy chưa đạt như mong muốn, cuối cùng bà Hạnh cũng thành công khi tạo ra được miếng chuối sấy giòn xốp tự nhiên, vừa ăn, đáp ứng yêu cầu khách hàng. Ban đầu là vài khách hàng mua lẻ, dần dần có mối lái trong xã, trong huyện. Năm nay cơ sở mở rộng nhiều, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nghề càng phát triển mạnh.

Chị Lê Thị Liên mạnh dạn chọn bánh quê để khởi nghiệp nơi quê nhà.

Bà Hạnh vui mừng cho biết: “Giờ làm không xuể, bỏ mối rất nhiều, không chỉ trong tỉnh mà còn bỏ các mối ở TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, xa nhất là Hà Nội… Cơ sở sản xuất chuối sấy quanh năm. Cứ ngày lột, ngày chiên. Bình thường thì 30-35 kg/cữ, còn dịp Tết nhiều hơn, 50-55 kg”.

Ðể kịp sản xuất chuối sấy cung cấp cho các đầu mối, cách một ngày là ông Tư Khởi đốn chuối của bà con trong vùng, khuya thì phải thức dậy sớm để bào chuối.

Ông Tư Khởi bộc bạch: “Mỗi lần đốn cả trăm nải. Ðể giữ mối mang, hỗ trợ nhau cùng làm ăn, tôi thu mua chuối của bà con cao hơn giá thị trường chút đỉnh, còn họ thì chừa lại chuối ngon cho mình”.

Làm bánh ngoài khéo léo, còn cần những bí quyết riêng. Không giấu nghề, bà Hạnh chia sẻ, để chuối sấy ngon thì khâu lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng, chuối phải già, cùng với đó là những kinh nghiệm khi làm, như chuối bào xong phải tách từng mảnh, bột củ năng trộn với đường rắc lên miếng chuối từng lớp, sau đó rắc thêm bột củ năng nếu thấy cần. Tác dụng của bột củ năng là để cho miếng chuối không dính vào nhau khi chiên và đều màu. Chuối sấy của cơ sở Liên Lê giòn xốp, thơm ngon, không dùng chất bảo quản nên được khách hàng tin dùng.

Bà Hạnh cho biết: “Giá bỏ sỉ gần thì 80 ngàn đồng/kg, còn xa thì 120 ngàn đồng, bán lẻ cũng vậy để bà con dễ dùng. Thời gian gần đây giá dầu ăn, đường lên nhưng cơ sở vẫn giữ nguyên giá để giữ mối làm ăn, khách hàng dùng được, mình lời ít lại”.

Không chỉ phát triển mạnh nghề sản xuất chuối sấy, mấy tháng nay, cơ sở Liên Lê còn mạnh dạn sản xuất bánh kẹp, bánh nhúng. Chị Lê Thị Liên, người khởi xướng nghề làm bánh kẹp cuốn, bánh nhúng của gia đình, bộc bạch: “Mới làm vài tháng thôi mà làm không xuể để cung cấp cho các mối. Nướng bánh kẹp thì ngày nào cũng làm, từ sáng sớm cho đến tối. Sản phẩm làm ra tới đâu là giao tới đó. Mỗi bữa nướng chừng 4-6 kg bột. Bình quân 2 kg bột ra 15 bịch bánh kẹp cuốn (200 gram/bịch). Bỏ sỉ ở Cà Mau thì giá 25 ngàn đồng/bịch, ở đây thì 22 ngàn đồng/bịch, còn bán lẻ 25 ngàn đồng. Bánh nhúng thì hai ngày làm một lần”.

Tâm sự về nghề làm bánh quê, chị Liên cho biết, làm bánh vốn là sở thích, niềm đam mê từ nhỏ, chị lại có tay nghề, từng biết làm bánh kẹp, bánh nhúng từ lúc còn ở nhà. Những năm tháng bươn chải nơi đất thành thị, món bánh quê được người dân nơi đó ưa dùng vì chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau khi về quê do ảnh hưởng đại dịch, chị Liên quyết định đưa thêm món bánh kẹp, bánh nhúng vào nghề làm bánh của gia đình.

Món bánh nhúng truyền thống vẫn được người dân thôn quê và đô thị lựa chọn.

“Từng trải qua những năm tháng đi làm xa, mình hiểu nỗi khổ của người lao động xa quê. Thu nhập đâu ổn định, chi trả đủ thứ lại còn nhiều nỗi lo khác. Làm bánh tuy thu nhập không quá cao, nhưng ở quê với mức 6 triệu đồng mỗi tháng từ nướng bánh thì khá ổn. Hơn nữa, được gần cha mẹ, chị em. Cả gia đình cùng làm, vui lắm. Mình làm bánh chất lượng, thơm, ngon thì sẽ tìm được khách hàng. Như mối bánh kẹp là từ xã Khánh Bình ra đến TP Cà Mau là nhiều, vì bánh kẹp dễ vỡ nên không gởi đi xa được”.

Tất bật với việc làm bánh để góp phần đem lại cái Tết vui vầy cho mọi nhà, gia đình ông Tư Khởi chưa chuẩn bị gì cho cái Tết sắp tới. Ông Tư Khởi bảo: “Nhà có heo, gà sẵn, rau cải cũng có trồng. Tới Tết thì mua thêm vài loại bánh, kẹo, ít cải làm dưa. Chớ làm chuối, bánh này mọi năm tới 29 Tết mới nghỉ thì không còn thời gian lo chuyện Tết nhất, nhưng lo làm ăn xong, mấy ngày Tết cũng chơi tới bến nghe”./.

 

Ngọc Minh

 

Nâng cao đời sống văn hoá

Theo UBND huyện Thới Bình, đã qua địa phương quan tâm, chú trọng triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, đạt nhiều kết quả tích cực.

Có tên đường nhưng… không có đường

Đó là hiện trạng tuyến đường Trương Phùng Xuân, trên địa bàn Khóm 5, Phường 8, TP Cà Mau, được người dân trên tuyến phản ánh. Nơi đây có tên đường, có số nhà của dân, thế nhưng chỉ là con lộ nhỏ do người dân trong khóm tự đóng góp để xây dựng, không có dấu hiệu nào của một con đường đàng hoàng do Nhà nước đầu tư, mặc dù người dân bức xúc, đã nhiều lần kiến nghị ngành chức năng, chính quyền địa phương xem xét đầu tư.

Ðề xuất gỡ khó cho quy hoạch treo

Nhằm ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép, Phường 8 , TP Cà Mau đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong quản lý xây dựng, như thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý và đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng không phép, sai phép, xây dựng trên đất chưa chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng không phù hợp với quy hoạch.

Xứng tầm phường đô thị văn minh

Hiện nay, kết cấu hạ tầng của Phường 1, TP Cà Mau, cơ bản hoàn chỉnh, bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp; đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao; văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ. Ðó là thành quả của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân qua 5 năm, kể từ khi địa phương được công nhận phường đạt chuẩn đô thị văn minh (ÐTVM).

Hướng nghiệp giúp học sinh chọn ngành nghề phù hợp

Hiện nay, cùng với việc đảm bảo hoàn thành chương trình dạy theo đúng thời gian quy định, các trường THPT trong tỉnh còn đặc biệt chú trọng đến công tác hướng nghiệp, giúp các em học sinh lớp 12 lựa chọn đúng ngành nghề, phù hợp với điều kiện của cá nhân và nhu cầu thực tế.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Bệnh viện Công an tỉnh Cà Mau (Bệnh viện) có quy mô 100 giường bệnh, gồm 3 khoa, 1 phòng chức năng. Những năm qua, đặc biệt trong năm 2023, bệnh viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Cục Y tế - Bộ Công an, Ðảng uỷ - Ban Giám đốc Công an tỉnh và Sở Y tế tỉnh Cà Mau đánh giá cao.

Luồng gió mới từ thế hệ giáo viên 9X

Thế hệ 9X với sự năng động, sáng tạo và am hiểu công nghệ đang dần khẳng định bản thân trong lĩnh vực giáo dục, trở thành những giáo viên truyền cảm hứng cho thế hệ học sinh gen Z. Ðiển hình như các cô giáo trẻ tại Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau).

Khởi sắc nông thôn mới

Từ khi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, huyện Ðầm Dơi có 9/15 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Kết quả này góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được nâng lên.

Ðiện thắp sáng cho hộ nghèo

Góp sức cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện xây dựng NTM, đô thị văn minh, tuổi trẻ đã có nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó có mô hình hỗ trợ thay thế các đường dây dẫn điện sinh hoạt trong gia đình xuống cấp và lắp đặt bóng đèn compact miễn phí cho hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách.

Quan tâm giáo dục thể chất cho học sinh

Cùng với việc triển khai tốt các nhiệm vụ năm học, nhiều năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh còn quan tâm phát triển phong trào thể dục, thể thao (TDTT), giúp học sinh nâng cao thể lực và phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ.