ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 19-3-24 17:08:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sản xuất nông, lâm, ngư đều khó vì... giá

Báo Cà Mau (CMO) Giá từ xăng dầu cho đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn… đều tăng cao, trong khi đó giá đầu ra nông - lâm - thuỷ sản biến động theo chiều hướng sụt giảm, đã khiến người trồng trọt, chăn nuôi, khai thác rơi vào tình cảnh không lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Khó từ chăn nuôi, trồng trọt…

Lên được ao tôm siêu thâm canh hơn 600 triệu đồng nhưng anh Trương Văn Ða, ấp Tân Phước, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, không vui mừng. Anh Ða bộc bạch, sau gần 2 năm chuyển từ loại hình công nghiệp ao đất sang siêu thâm canh ao bạt, đây là vụ tôm thành công nhất. Tuy nhiên, trừ tất cả các chi phí trong hơn 90 ngày, kể từ khi thả tôm giống thì lợi nhuận chưa đầy 100 triệu đồng, không đủ để tái sản xuất vụ tiếp theo.

Theo anh Ða, với ao tôm chưa được 1.000 m2 của gia đình mà thu sản lượng gần 6 tấn (loại 36 con/kg/vụ) là đạt. Tuy nhiên, lợi nhuận thấp là do chi phí đầu vào quá cao, trong khi ngay đợt thu hoạch giá tôm lại giảm gần 10.000 đồng/kg. Cách đây khoảng 2 năm, giá thức ăn chỉ hơn 30.000 đồng/kg, người nuôi đã khó, nay tăng lên hơn 40.000 đồng/kg, thậm chí thức ăn của C.P lên trên 50.000 đồng/kg.

“Nếu bình quân hệ số thức ăn 1.3 thì để có 1 tấn tôm phải tiêu tốn 1,3 tấn thức ăn, tức 50-65 triệu đồng, nếu cộng thêm tiền giống; thuốc, chất xử lý nước, tiền điện… thì người nuôi đâu còn gì”, anh Ða tính toán.

Nghề nuôi cá chình tại xã Tân Thành, TP Cà Mau cũng chịu tác động khi giá thành nhiều mặt hàng phục vụ nghề nuôi tăng.

Nghề nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh bị chi phối bởi vật tư đầu vào thì nghề trồng trọt, nhất là cây lúa lại vất vả vì giá phân bón tăng cao. Ông Lâm Thành Công, ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, bộc bạch: "Nông dân làm lúa ở đây xưa nay chủ yếu lấy công làm lời, nhưng vụ này phát sinh thêm chi phí bơm tát nước do mấy đợt mưa lớn vừa qua, cộng với giá phân bón tăng cao như hiện nay chắc không có lãi. Chỉ vài năm thôi mà giá phân urê từ khoảng 400.000-450.000 đồng/bao (loại 50 kg/bao), giờ tăng hơn 1 triệu đồng.

Mỗi vụ sản xuất, ngoài chịu áp lực từ nguyên liệu đầu vào cho đến đầu ra, nông dân trồng trọt, chăn nuôi còn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu dẫn đến giảm năng suất, giảm lợi nhuận.

... cho đến khai thác

Ngư dân khai thác biển cũng chẳng khá hơn khi thời gian qua giá xăng, dầu tăng cao, sản lượng giảm, giá thành sản phẩm không tăng, khiến không ít phương tiện khai thác phải nằm bờ.

Nhiều phương tiện khai thác tại Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời gặp khó khăn do giá đầu vào tăng cao.

Nhắc đến giá xăng dầu, hầu như tất cả ngư dân từ nghề câu, lưới đều than vãn. Ông Lâm Quốc Sự, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, cho biết, kể từ khi giá xăng dầu tăng, không ít chuyến biển phải thua lỗ. Tuy nhiên, ông không thể để ghe nằm bờ vì muốn giữ chân ngư phủ. Mỗi chuyến biển đội tàu của gia đình cần từ 2.000-3.000 lít dầu nên giá nguyên liệu này chỉ cần tăng nhẹ là ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận sau khai thác.

Khai thác biển là nghề tiêu hao nhiều nhiên liệu, nhất là đối với đội tàu khai thác xa bờ. Không chỉ vậy, giá xăng dầu tăng còn ảnh hưởng đến một chuỗi các dịch vụ hậu cần nghề cá như đánh bắt, bảo quản, chế biến, vận chuyển. Trong khi đó, giá một số mặt hàng thuỷ sản khai thác chẳng những không tăng mà còn giảm. Anh Trần Trọng Khâm, ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Trước kia mực nang có giá từ 60.000-70.000 đồng/kg thì giờ đây có thời điểm chỉ còn 45.000-50.000 đồng/kg. Sản lượng khai thác giảm, giá thành cũng giảm, trong khi sản phẩm đầu vào thứ gì cũng tăng nên tôi đành phải cho phương tiện lớn nằm bờ, chỉ còn 2 phương tiện nhỏ hoạt động để nuôi giữ bạn tàu".

Ngư dân Khánh Hội gặp khó khăn do chi phí đầu vào chuyến biển tăng, trong khi giá sản phẩm lại giảm.

Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Bí thư Huyện uỷ Thới Bình, đã từng nhận định, năm nay các loại hình sản xuất trên địa bàn huyện, nhất là những loại hình có thế mạnh của địa phương như lúa - tôm, tôm càng xanh đều vượt kế hoạch đề ra từ diện tích đến năng suất, kinh tế tập thể cũng đang phát triển mạnh khi tăng thêm được 3 HTX. Tuy nhiên, thu nhập của người dân lại giảm so với năm 2021 do giá đầu vào tăng cao.

Nhiều năm qua, nhằm hướng tới nền nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã xây dựng đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp. Theo đó, bên cạnh việc tập trung xây dựng quy hoạch phân vùng sản xuất, bố trí sản xuất, cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, tỉnh đang triển khai quyết liệt và coi trọng xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất và tiêu thụ hàng hoá. Dù đã xây dựng được 23 chuỗi liên kết với quy mô diện tích khoảng 8.500 ha, nhưng chỉ có thể tiêu thụ được 8% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh.

Liên kết chuỗi là giải pháp giúp người dân giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng,  quy mô triển khai vẫn chưa lớn, số lượng chuỗi chưa nhiều và còn thiếu bền vững. Do tính pháp lý của các hợp đồng bao tiêu chưa cao, sự chia sẻ lợi nhuận giữa các bên chưa thật sự hài hoà.

Ông Quân cho biết, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên kết chuỗi từ cây lúa cho đến con tôm. Mục tiêu mà ngành đề ra là đến năm 2025, ít nhất từ 15-20% sản phẩm lúa của người dân, cũng như con tôm được tiêu thụ thông qua chuỗi liên kết trong quá trình sản xuất và cả khai thác. Ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được với các hợp tác xã trên cơ sở đàm phán hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia. Song song đó, sẽ tập trung phát triển kinh tế tập thể để tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động liên kết giúp giảm chi phí đầu vào, ổn định đầu ra./.

 

Nguyễn Phú

 

Triển vọng từ mô hình mới

Từ bước đầu thử nghiệm trồng dược liệu để sử dụng trong nhà nhằm nâng cao sức khoẻ, giờ đây, tuy chỉ với ít diện tích đất nhưng bà Phạm Phương Lan (sinh năm 1962, ngụ Khóm 3, phường Tân Thành) đã nhân giống thành công atiso đông trùng thảo để làm kinh tế. Không chỉ có thêm nguồn thu nhập, bà còn tích cực chia sẻ giống cho các hội viên phụ nữ trong vùng.

Chăm chỉ thoát nghèo

Từ gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng với nghị lực vượt khó, cùng đức tính cần cù, chăm chỉ, siêng năng trong lao động, gia đình anh Hồ Văn Vũ và chị Hữu Thị Nguyên (dân tộc Khmer) ở Ấp 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Vào mùa muối

Hằng năm, thời điểm từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch, làng nghề sản xuất muối tại ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, lại nhộn nhịp vào vụ.

Trồng màu lúc nông nhàn

Trên đồng đất huyện Thới Bình những ngày sau Tết, nông dân lại tất bật chăm sóc hoa màu các loại, như: dưa, cà, rau cải... Ðây là mô hình hiệu quả nâng cao thu nhập cho nhiều hộ lúc nông nhàn.

Nông nghiệp thời 4.0

Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành, phát triển sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau (gọi tắt là Phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp) đã mang lại nhiều mặt tích cực trong thông tin quản lý lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, với hệ thống số liệu chuẩn hoá, sẽ làm cơ sở phục vụ nghiên cứu khoa học, tăng tính dự báo, đáp ứng tình hình phát triển chung, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp 4.0, tiến tới chuyển đổi số toàn diện.

Hiệu quả từ chế phẩm sinh học

Con tôm là một trong những nguồn kinh tế chủ lực của người dân huyện Phú Tân. Hiện nay, nhiều hộ dân nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) đã biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất trên cùng đơn vị diện tích, trong đó có việc sử dụng chế phẩm sinh học.

Trao cơ hội cho hộ mới thoát nghèo

Xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tuy không còn thuộc xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển nhưng địa phương này vẫn nỗ lực mở rộng các nguồn vận động nhằm tạo công ăn việc làm, giúp những hộ mới thoát nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vươn lên từ vốn chính sách

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn và 100% khóm, ấp với trên 2.600 tổ tiết kiệm và vay vốn, chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, đã hỗ trợ thiết thực, giúp đỡ nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương trong tỉnh từng bước ổn định cuộc sống.

Cảnh giác với thiết bị đọc trộm tại cây ATM

Phương thức đánh cắp dữ liệu thẻ ATM ngày càng phổ biến, gây thiệt hại lớn cho người sử dụng. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin về phương thức cài đặt thiết bị đọc trộm dữ liệu (skimming) tại các cây ATM, cũng như khuyến cáo cách thức để người dùng tránh khỏi nguy cơ bị đánh cắp thông tin.

Chung sức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Ðể góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn chặn tình trạng đánh bắt theo kiểu tận diệt nguồn lợi thuỷ sản, huyện Ðầm Dơi tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp bộ dụng cụ kích điện để đánh bắt cá, tôm. Qua phát động, đã có nhiều người thực hiện việc giao nộp.