11/06/2021 11:29
![]() |
Minh hoạ: Lý Kiều Loan |
“Nè, thằng Sáu. Nghe nói bây có 2 đứa con trai phải hôn, cẩn thận lựa dâu nghen mậy, không khéo rước lấy phiền phức đó”, chú Ba bốc xếp bông đùa khi thấy Sáu thợ mộc bước vào quán cà phê.
“Thời buổi này tụi nó thương đâu thì mình cưới đó, chớ biết đâu mà lựa với chọn hả chú. Mà có gia đình riêng rồi thì tụi nó tự làm ăn sinh sống, có gì phải phiền phức”, Sáu thợ mộc trải lòng.
“Lẽ thường là vậy, nhưng trong cuộc sống có những chuyện xảy ra mà mình không thể lường trước được. Tao mới nghe thằng cháu họ kể câu chuyện trái khoáy nên mới ghẹo bây để bớt bực tức vu vơ vậy mà”, chú Ba bốc xếp phân bua.
“Thôi tôi biết rồi. Chắc là con dâu hỗn hào với cha mẹ chồng, hoặc giành quyền đòi phân chia tài sản nhà chồng chớ gì? Gặp thứ đó thì đúng là phiền phức thiệt, bởi có giận dâu thì cũng đâu thể bỏ con ruột mình được. Ðúng không chú?”, chị Tám chủ quán nhanh nhảu.
“Bà tài lanh quá hà Tám. Chú Ba chưa lên tiếng mà bà đã nói như là đúng rồi. Thôi, câu chuyện trái khoáy thế nào, kể nghe đi chú. Dẫu sao con ông Sáu cũng còn nhỏ, trong khi tôi dự định cuối năm nay sẽ cưới vợ cho thằng Ðực”, Bảy thợ hồ sốt ruột.
“Con Tám tuy có lanh miệng, nhưng những vấn đề nó kể cũng là chuyện đó đây đã từng xảy ra trong đời sống xã hội mà báo chí thông tin. Song, câu chuyện tao muốn nói lại khác hẳn”, ngừng một chút để hớp ngụm trà thấm giọng, chú Ba thong thả:
“Thằng cháu tao nó ở thị trấn thuộc huyện ven biển tỉnh mình nè. Nó nói ở quê nó có cặp vợ chồng H và V sống với nhau được 14 năm, đã có 3 mặt con. Tuy không khá giả cho lắm, nhưng H rất siêng năng, chí thú làm ăn, V chỉ việc ở nhà chăm sóc con và lo công việc nhà cùng cha mẹ chồng. “Rảnh rỗi sinh nông nổi”, V tập tành bài bạc, la cà ăn nhậu, bỏ mặc con cái và cũng chẳng quan tâm công việc nhà... dẫn đến bất hoà vợ chồng, cha mẹ chồng khuyên can cũng không lay chuyển được, nên năm 2018 cả hai đã thuận tình gửi đơn đến Toà án Nhân dân huyện, yêu cầu xin ly hôn.
Thấy rằng không thể sống chung với nhau được nữa thì ly hôn cũng là cách tốt cho cả hai. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã chấp thuận cho ly hôn, V nuôi 3 đứa con và được H cấp dưỡng mỗi tháng 700.000 đồng/đứa, đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Ngoài ra, V còn được chia đôi diện tích gần 19.000 m2 đất H đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do cha mẹ cho lúc H kết hôn. Tưởng thế đã thuận cả đôi đường, nhưng V bất ngờ yêu cầu toà xem xét, buộc cha mẹ chồng phải trả tiền công làm dâu trong 14 năm, với tổng số tiền là 300 triệu đồng”.
“Kết cuộc sao chú, ông bà già chồng của cô V có đồng ý không? Toà có giải quyết chuyện này không?", cùng một “hệ” thích nghe chuyện thiên hạ nên chị Tám, Bảy thợ hồ và cả Sáu thợ mộc cùng đồng thanh thúc chú Ba “chốt” đoạn kết.
“Ở đâu ra cái phí làm dâu, mà tính cách nào lại có con số 300 triệu hả bây? Thế nên Hội đồng xét xử đã bác yêu cầu của V vì không có căn cứ xác thực. Còn cha mẹ H điềm tĩnh cho rằng, con gái có chồng về làm dâu là tục lệ. Hơn nữa, từ khi mang thai đến hạ sinh và chăm sóc con được cứng cáp thì cũng mất 3 năm/đứa con. V có 3 đứa con thì đã mất 9 năm, thời gian 5 năm trở lại đây thì vợ chồng V lục đục, không thường xuyên sống chung với nhau, nên trong 14 năm qua, nói là làm dâu nhưng thực chất V đâu có giúp ích gì nhiều cho cha mẹ chồng…!”, chú Ba thông tin.
“Với con người tính toán thì chi ly kiểu đó mới vừa. Cô V đó chắc trong số hơn 1 triệu dân của tỉnh mình chỉ có một. Tới đây, hổng chừng lúc bả cưới gả con cái lại đòi tiền công nuôi dưỡng mới đồng ý cho tổ chức hôn sự!?”, chị Tám tặc lưỡi.
“Tôi sống gần một đời người mới nghe có người yêu cầu được trả phí làm dâu đó anh Ba. Ðúng là cái kiểu ăn vạ, được thì được cả, ngã về không, chẳng cần phân biệt thị phi”, chú Năm xe ôm ngao ngán./.
Mỹ Pha
(CMO) Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người người, nhà nhà đều tuân thủ mọi nguyên tắc để ...